DNVN - Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam vừa được công bố, 88% người Việt Nam mua hàng qua thương mại điện tử vẫn lựa chọn chi trả bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD), cao hơn năm 2017 là 6%, hình thức thanh toán qua thẻ ATM nội địa là 42%, qua thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ là 31%, ví điện tử 17%, thẻ cào/thẻ game là 6%.
Hình thức thanh toán tiền mặt được người mua hàng online thanh toán nhiều nhất.
Có thể bạn quan tâm
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa phát hành Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019. Theo đó, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ - B2C (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ) của Việt Nam năm 2018 ước đạt 8,06 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định, năm 2018, với tốc độ tăng trưởng GDP 7,08%, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mốc tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Trong đó, các hoạt động thương mại điện tử góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng của lĩnh vực thương mại nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo Báo cáo "Kinh tế Internet Đông Nam Á 2018" do Google - Temasek thực hiện và công bố, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền Thương mại Điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Thương mại điện tử đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều giá trị sản xuất và tiêu dùng mới, là động lực phát triển và lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số trong thời gian tới.
Số liệu thống kê tại Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 cũng cho thấy, với việc đạt doanh thu 8,06 tỉ USD, thương mại điện tử bán lẻ - B2C của Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây, tăng tới 30%. Mức tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam trong 2 năm 2016 và 2017 lần lượt là 23% và 24%.
Những mặt hàng thường được mua trên mạng.
Cùng với sự tăng trưởng về tổng doanh thu, năm 2018 thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng về số người tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua sắm trực tuyến của một người cũng như tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Cụ thể, số người tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018 là 39,9 triệu người, tăng 6,3 triệu người so với năm 2017. Giá trị mua sắm trực tuyến của 1 người ước đạt 202 USD, tăng 16 USD so với năm 2017. Doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam năm 2018 chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Kết quả khảo sát về tình hình tham gia thương mại điện tử trong cộng đồng được thông tin tại Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 cho thấy, tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần trong năm đã tăng nhẹ từ 67% trong năm 2017 lên 70% trong năm 2018. Tỷ lệ người mua hàng trực tuyến tìm kiếm thông tin trên mạng là 86% và 36% hỏi trực tiếp bạn bè, người thân.
Tỷ lệ đặt mua hàng trực tuyến qua thiết bị di động tiếp tục tăng trưởng, đạt 81%; trong khi tỷ lệ người mua sắm trực tuyến qua máy tính để bàn/ máy tính xách tay đã giảm từ 65% (năm 2017) xuống 61%.
Top 10 loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua qua mạng trong năm 2018 lần lượt là: Quần áo, giày dép và mỹ phẩm (61%); Sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng (46%); Thiết bị đồ dùng gia đình (46%); Đồ công nghệ và điện tử (43%); Vé xem phim, ca nhạc… (35%); Thực phẩm (34%); Vé máy bay, tàu hỏa, ô tô (33%); Đặt chỗ khách sạn/ tour du lịch (31%); Dịch vụ tư vấn, đào tạo trực tuyến (17%); và Nhạc, video, DVD, game (15%).
Ba kênh mua sắm trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn là Website thương mại điện tử (74%); Diễn đàn, mạng xã hội (36%); và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động (52%). So với năm 2017, trong khi tỷ lệ người mua hàng trực tuyến qua 2 kênh website thương mại điện tử và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động năm 2018 đều tăng, tỷ lệ này lại giảm với kênh mua sắm qua diễn đàn, mạng xã hội.
Cũng theo khảo sát, sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo vẫn là trở ngại lớn nhất khi mua sắm trực tuyến, với 83% người tiêu dùng tham gia khảo sát lựa chọn. Tiếp đó là các trở ngại khác như: dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (47%); lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ (43%); giá cả đặt hơn mua trực tiếp hoặc không rõ ràng (37%); dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn kém (36%); website, ứng dụng bán hàng thiết kế không chuyên nghiệp (22%)...
Đỗ Quyên
You must be logged in to post a comment.