Quảng cáo là gì?
Quảng cáo (advertising) là hoạt động của doanh nghiệp nhằm làm tăng mức tiêu thụ hàng hóa của mình. Nó là phương tiện để kích thích nhu cầu và tạo lập sự trung thành với nhãn hiệu hàng hóa.
Mặt khác, chúng ta có thể coi quảng cáo là một trong những hình thức cạnh tranh bằng cách phân biệt sản phẩm. Vì vậy, quảng cáo vừa là phương tiện cung cấp những thông tin cần thiết cho khách hàng, vừa là công cụ để thuyết phục khách hàng rằng nhãn hiệu được quảng cáo tốt hơn, ưu việt hơn các nhãn hiệu khác.
Lý thuyết truyền thống về thị trường nhấn mạnh tác hại của quảng cáo nếu xét về mặt phân bổ nguồn lực. Chẳng hạn, nó cho rằng quảng cáo chỉ làm cho người tiêu dùng chuyển từ nhãn hiệu hàng hóa này sang nhãn hiệu hàng hóa khác, chứ không làm tăng nhu cầu. Vì vậy, quảng cáo được coi là yếu tố làm tăng tổng chi phí cung ứng và giá cả mà người tiêu dùng phải trả.
Quan điểm hiện đại về thị trường cho rằng quảng cáo làm tăng nhu cầu thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đạt được hiệu quả và quy mô sản xuất lớn. Theo nghĩa này, quảng cáo có tác dụng tích cực vì nó làm tăng sản lượng và giảm giá.
Phân biệt giữa Tiếp thị và Quảng cáo
Tiếp thị (marketing) là quá trình phát hiện ra nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, dựa trên những nền tảng (sản phẩm, dịch vụ, hệ thống,..) mà chúng ta đang có.
Tiếp thị là cả một quá trình bao gồm các bước nghiên cứu, phân tích, lên kế hoạch, chiến lược, phân bổ ngân sách, đo đạc, thống kê, tối ưu... trên nhiều kênh và phương thức khác nhau, để đảm bảo rằng ngân sách họ chi ra mang lại lợi nhuận cho tổ chức. Còn quảng cáo là thực thi các hoạt động của một kế hoạch marketing, tác động vào thói quen của khách hàng và biến họ trở thành người mua hàng.
Tổng kết lại, tiếp thị (marketing) là một chiếc bánh lớn, trong đó có nhiều miếng, mỗi miếng bánh đại diện cho một lĩnh vực: nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch media, quan hệ công chúng, quảng cáo, chiến lược bán hàng, giá sản phẩm, hậu mãi khách hàng, quan hệ cộng đồng...
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
You must be logged in to post a comment.