Đầu tiên, tôi muốn xác nhận với bạn rằng, tôi không phải là một người có năng khiếu trong việc viết lách. Tôi xuất thân là một kỹ sư thuần túy, việc tôi làm hàng ngày là viết code. Tuy nhiên, khi sự nghiệp thăng tiến, tôi nhận thấy viết là một kỹ năng quan trọng & cần thiết, nên tôi bắt đầu rèn luyện nó.
Tôi chia sẻ lại một nguyên tắc mà tôi đã làm trong suốt 5 năm nay để hoàn thiện kỹ năng viết của mình, gọi là “nguyên tắc 5 lần vung rìu”. Một người thầy của tôi kể lại rằng, “nếu bạn có 1 cái rìu và mỗi ngày vung 5 phát để chặt 1 cái cây, thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn không sớm thì muộn cái cây sẽ đổ. Nếu cây càng lớn thì thời gian chặt có thể cần lâu hơn, nhưng việc cái cây sẽ đổ là điều không thể bàn cãi”. Điều này có nghĩa là, để thuần thục một kỹ năng, nếu 1 ngày ta dành thời gian để thực hiện một lộ trình gồm 5 bước, chắc chắn ta sẽ giỏi kỹ năng đó sau một thời gian. Nguyên tắc này đúng cho bất kỳ kỹ năng nào.
Quay trở lại kỹ năng viết, tôi cũng đã học được quy trình 5 bước để áp dụng cho chính bản thân mình như sau: Read (đọc), Think (suy nghĩ), File (lưu trữ), Ask (đặt câu hỏi), Write (viết).
1. Read (đọc): việc đọc giúp đưa những thông tin vào trong não bộ, trước khi ta dùng những thông tin có sẵn trong não để viết. Một người muốn viết giỏi, chắc chắn cần phải là người đọc giỏi. Đọc ở đây không chỉ đơn thuần là đọc sách, đó còn có thể là nghe, quan sát, chiêm nghiệm từ thế giới xung quanh, mục tiêu là đưa những thông tin đầu vào có ích cho quá trình viết sau này.
2. Think (suy nghĩ): trong một cuốn sách có rất nhiều nội dung, rất nhiều bài học, không nên chỉ đọc qua loa cho biết, giống như cách ta hay đọc truyện hoặc tiểu thuyết. Trong quá trình đọc, tôi luôn suy nghĩ xem mục tiêu/lý do của người viết là gì, cách họ trình bày câu chuyện như thế nào, và đặc biệt là bản thân mình sẽ áp dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống như thế nào.
3. File (lưu trữ): ngoài việc tô màu những phần quan trọng trong sách, tôi còn ghi chép lại những điều tinh túy nhất vào một cuốn sổ riêng (sau này là một file mềm trên máy tính). Việc lưu trữ này vô cùng quan trọng, bởi nó là nguồn tham khảo quý giá cho tôi sau này khi viết mà không cần phải tốn thời gian để tìm kiếm lại một lời trích dẫn từ một cuốn sách nào đó, chỉ cần “search” trực tiếp trên file ghi chép cá nhân là thấy.
4. Ask (đặt câu hỏi): đây là bước quan trọng trước khi bắt đầu viết để giúp tôi có một bài viết đúng trọng tâm. Những câu hỏi tôi thường đặt là: “tại sao tôi lại muốn viết chủ đề này?”, “đối tượng người đọc của tôi là ai?”, “đặc điểm/mối quan tâm/nỗi lo của đối tượng người đọc này là gì?”, “cách tôi sẽ triển khai bài viết như thế nào?”.
5. Write (viết): nếu làm tốt 4 bước ở trên, thì bước cuối cùng sẽ trở nên dễ dàng. Có rất nhiều phương pháp để viết bài, nhưng nếu như không có đầu vào từ 4 bước trên, thì chắc chắn sẽ không có đầu ra ở bước cuối cùng.
Tôi đã áp dụng như thế nào? Trước khi là một người viết, tôi chủ yếu là người đọc, học, áp dụng và ghi chú lại những gì mình đã học. Khi bắt đầu viết, những bài viết đầu tiên chỉ có một đoạn gồm vài câu ngắn, một thời gian sau tôi viết vài đoạn, sau đó đến một bài dài có bố cục rõ ràng. Tôi nhận thấy, quan trọng nhất vẫn là bên trong mình có gì rồi sau đó mới đến mình sẽ viết những gì, nên 80% thời gian tôi tập trung vào việc học và trải nghiệm (4 bước đầu tiên), chỉ 20% thời gian dành cho việc viết (bước cuối cùng). Thêm vào đó, tôi cũng không viết nhằm mục đích để có nhiều người đọc, hoặc để có nhiều người đồng tình với mình, mà quan trọng nhất viết là lúc để tôi học hỏi sâu hơn, chiêm nghiệm kỹ hơn và hệ thống hóa lại nhưng trải nghiệm của bản thân một lần nữa, để áp dụng vào thực tiễn sau này. Đối với tôi, “kiến thức chỉ thực sự có giá trị khi nó có thể giúp thay đổi được cuộc sống của tôi và dễ dàng truyền đạt lại cho thế hệ đi sau”.
Bạn thân mến, bạn có muốn là một người viết giỏi chứ? Vậy động cơ để bạn muốn trở thành người viết giỏi là gì? Nếu như mục tiêu cuối cùng vẫn là để giúp bạn tiếp tục nâng cao năng lực cá nhân, những chia sẻ trên là dành cho bạn. Và cũng tương tự như vậy, nếu bạn muốn phát triển năng lực mình, hãy nghiêm túc nghĩ đến việc trở thành một người viết giỏi và lên kế hoạch để thực hiện.
Cho sự thành công của bạn.
You must be logged in to post a comment.