Khởi nghiệp từ 50 nghìn đồng, biến hóa dây đồng thành bonsai nghệ thuật

Ði tìm cái riêng của mình

Từng làm qua nhiều nghề, từ sửa xe, lái xe cho đến sửa chữa điện thoại nhưng Huỳnh Chí Cường (35 tuổi, ngụ xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) vẫn thất nghiệp. Anh không nản, luôn mong muốn tìm cho mình một công việc mà bản thân yêu thích, đồng thời có thu nhập để nuôi sống gia đình.

Trong một lần gặp người bạn, thấy người này mua cây bonsai bằng nhựa về nhà bày, một ý tưởng nhen nhúm lên trong đầu Cường. “Thấy người bạn thích cây bonsai nhựa đó quá nên tôi liền nảy ý định lấy dây chì bẻ cho một cây trưng chơi, vừa lạ vừa độc, lại không đụng hàng. Về nhà lấy dây chì làm thử, nó cũng ra cái cây. Bạn tôi rất thích nhưng chỉ được vài bữa là nó bị gỉ sét”, Cường kể.

Vốn có niềm đam mê với thủ công mĩ nghệ nên sau khi làm được cây bonsai đầu tiên, dù còn thô sơ nhưng nó đã thôi thúc Cường tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu về loại hình mĩ nghệ mới này. “Tôi lên mạng tìm thử thì thấy người ta cũng làm giống mình mà đẹp quá. Tuy nhiên, tôi muốn đi theo hướng riêng, nên cũng tham khảo, rồi đúc kết lại thành cái của mình, chứ không đi theo người ta. Cái gì đẹp thì học hỏi, cái gì xấu thì cải tiến lại. Tuyệt đối không làm theo mẫu, không copy lại hoặc theo bất kì phác thảo nào, mà sáng tạo theo ý tưởng trong đầu mình nghĩ ra ”, Cường chia sẻ.

Thấy chất liệu dây chì nhanh bị gỉ. Hơn nữa, sợi rất cứng, một cây nhỏ có thân bằng ngón tay út phải làm mất hết 3 ngày, mà rất đau tay. Cường quyết định đổi sang làm thử loại dây đồng dùng để quấn điện gia dụng. Tuy nhiên, độ tỉ mỉ, độ bền loại dây này không cao, chỉ khoảng 2 - 3 tháng thì nó lại bị gỉ. Cường tiếp tục tìm hiểu, phát hiện loại dây đồng mĩ nghệ, màu sáng đẹp, bền, có thể trưng bày trên 10 năm không gỉ, không xuống màu.

Những ngày đầu mới vào nghề, Cường gặp khó trăm bề. Sản phẩm quá mới mẻ, chưa có khách hàng, trong khi gia đình luôn phản đối. “Nhiều người nói tôi bị khùng, có nghề đàng hoàng sao không đi làm lo cho vợ con mà ở nhà làm chuyện tào lao. Tôi bỏ ngoài tai hết, chịu đựng một thời gian không có thu nhập, có lúc 2 vợ chồng lục đục. Thậm chí vợ tôi còn nói: Cái này làm sao bán ra tiền được, có quỷ nó mua. Tôi nghỉ nấu cơm cho ông ăn luôn!... Nghe vậy cũng có lúc nản lắm chứ! Nhưng cứ nghĩ trong đầu cái cây này khi làm ra sẽ đẹp, có nhiều người thích, nên tôi ráng làm”, Cường nói và cho biết ban đầu anh chỉ còn 50 ngàn đồng để...làm vốn. Các dụng cụ kéo, kìm trong nhà có sẵn, anh dùng số tiền trên mua dây đồng về làm, rồi kiếm cái chậu hoặc bát vỡ để làm đế.

Tác phẩm độc nhất vô nhị

Sản phẩm đầu tiên Huỳnh Chí Cường bán cho một khách hàng ở Lạng Sơn, được định giá là 700 ngàn đồng. Hàng đã giao được 3 ngày mà không thấy khách hàng trả tiền hay phản hồi gì. “Lúc đó buồn lắm, nghĩ là mình mất trắng rồi. Đến ngày thứ 4, khách hàng phản hồi, họ khen sản phẩm rất đẹp và trả tiền gấp đôi giá ban đầu mà tôi bán. Nhờ đó, tôi có động lực tiếp tục thực hiện đam mê của mình cho tới bây giờ. Cứ thế, hoàn thành cái nào, bán ra ấy, rồi lấy số tiền đó mua nguyên liệu để làm tiếp”, Cường kể.

Theo Cường, công đoạn khó nhất làm sản phẩm là ra dáng, thế cây. Vì bonsai là nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ dáng. “Đầu tiên phải làm bộ đế cho vững, to. Thứ 2 là dáng, thế cây phải mạnh, phù hợp. Ví dụ, thế ngã thì vẫn ngã nhưng phải làm sao đứng lên được, mình mà làm ngã luôn thì không phải bonsai nên thế với dáng là quan trọng nhất”, Cường chia sẻ.

Các tác phẩm của Cường còn thiết kế hoạt cảnh mang ý nghĩa về mặt phong thủy hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi tác phẩm của anh là độc nhất vô nhị, không cái nào giống cái nào. “Khi người ta bỏ tiền ra mua thì họ tin rằng mình đã mua rồi thì người khác dù có tiền nhiều cũng không mua lại được cây thứ 2. Giá trị của mỗi cây là nằm ở chỗ đó”, Cường nói.

Các đơn đặt hàng đến với Cường ngày càng nhiều hơn. Hai năm qua, Cường đã sáng tạo ra hơn 1.000 cây bonsai dây đồng. Khách hàng yêu thích những tác phẩm của anh không chỉ ở An Giang, mà có ở nhiều tỉnh thành khác, thậm chí cả nước ngoài như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan,… Hiện mỗi tác phẩm của Cường có giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng, mang lại mức thu nhập khá.     

Huỳnh Chí Cường dự định nhận đào tạo nghề miễn phí cho học viên tại địa phương, đặc biệt là các bạn trẻ khuyết tật, yếu thế để họ có cái nghề kiếm sống. Theo Cường, nghề này không cần phải dùng sức nhiều, chỉ cần tư duy và đôi bàn tay khéo léo là có thể làm được.

 

Enjoyed this article? Stay informed by joining our newsletter!

Comments

You must be logged in to post a comment.